Cá mặt quỷ - món ngon -độc tố

Cá mặt quỷ rất ngon, vị ngọt thanh, bùi béo. Món ăn này giàu canxi, rất tốt cho sự phát triển và tái tạo hệ xương

http://www.yduoc.net/upload/images/news_1243077338.jpg
CÁ MẶT QUỈ -MÓN NGON -ĐỘC TỐ
Cá mặt quỷ có 13 đôi tia vây lưng có tuyến độc ở gốc vây. Khi bị chụp bắt hoặc vô tình giẫm phải, các vây lưng của cá mặt quỷ có thể đâm sâu 1cm vào thịt nạn nhân, độc tố trong các tuyến độc được phóng thích vào cơ thể qua vết thương hở này. Tại một số nước như Úc, New Zealand, Nhật Bản, Malaysia... đã có những ghi nhận về trường hợp tử vong từ loài sinh vật này.
Họ cá mao quỷ

Cá mặt quỷ có tên tiếng Anh là Stonefish, thuộc họ cá mao quỷ Synanceiidae trong bộ cá mù làn Scorpaeniformes. Có ít nhất tám loài cá mặt quỷ được biết đến có độc tố dưới dạng nọc độc, trong đó loài cá mặt quỷ Synanceia verrucosa và loài cá mao quỷ S.horrida phổ biến ở VN.


Độc tố của cá mặt quỷ có bản chất protein với trọng lượng phân tử có thể đạt tới 15.800 kilodalton. Độc tố này tác động trực tiếp đến hệ cơ vận động, hệ thần kinh và hệ cơ trơn của tim ở người. Ngay sau khi bị gai vây lưng của cá mặt quỷ đâm phải, vùng vết thương trở nên bầm tím hoặc đỏ, sưng phù, nóng. Nếu vết thương không được chăm sóc tốt sẽ dẫn đến bội nhiễm, thậm chí hoại tử cục bộ. Trong trường hợp nhiễm độc nặng, nạn nhân có thể bị suy giảm nhịp tim, sốt, co giật, tay chân lạnh, nôn mửa, rối loạn hô hấp hoặc ngất xỉu và có thể tử vong. Các triệu chứng nhiễm độc kể trên có thể kéo dài nhiều ngày hay cả tháng.

Trên thế giới đã có huyết thanh chống nhiễm độc từ cá mặt quỷ nhưng việc sử dụng vẫn còn hạn chế do giá thành cao. Biện pháp chữa trị hiện nay đối với nhiễm độc do cá mặt quỷ bao gồm giảm đau cục bộ vùng vết thương và chống bội nhiễm. Thông thường, nhằm giúp nạn nhân giảm cảm giác đau nhức dữ dội thường gặp phải ở vùng vết thương, có thể chườm nóng hoặc tiêm thuốc giảm đau.

Trong trường hợp có nguy cơ hoại tử cần mở rộng vết thương, làm sạch để tránh chất độc ngấm rộng hơn. Tuy nhiên, các bước xử trí này cần được thực hiện một cách thận trọng tại các cơ sở y tế bởi các bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối người nhà nạn nhân không được tự ý thao tác khi không có ý kiến của bác sĩ. Đối với nạn nhân nhiễm độc nặng, có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ như máy thở nhân tạo, máy shock tim... Nạn nhân cần nghỉ ngơi, tránh vận động cho đến khi vết thương ổn định và có dấu hiệu hồi phục.

Lưu ý là cá mặt quỷ có thể sống được vài ngày trong điều kiện không khí ẩm mặc dù không phải trong môi trường nước biển. Thậm chí độc tính của chúng có thể tồn tại nhiều ngày sau khi cá chết. Do đó, rất thận trọng khi cầm nắm, tiếp xúc với chúng, ngay cả khi con cá đã chết. Không để các gai của chúng đâm chích phải, nếu lỡ bị đâm chích đến ngay các cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để được chăm sóc, chữa trị đúng cách, tránh bội nhiễm, hoại tử hoặc các triệu chứng khác.

TS Đào Việt Hà (Viện Hải Dương học/Tuổi Trẻ)

In bài viết Trở về tr