NUÔI CÁ VƯỢC KẾT HỢP VỚI CÁ RÔ PHI VÀ VỌP

Thái Bình: Nuôi cá vược kết hợp cá rô phi và vọp trong đầm nước lợ
Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Thái Thụy đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá vược (cá chẽm) kết hợp với cá rô phi lai và động vật hai mảnh vỏ (vọp) trong đầm nước lợ tại xã Thụy Liên.
Story tool
E-mail this story
Print this story

Những năm qua, cá vược, cá rô phi được nông dân ở Thái Thụy đưa vào nuôi thả nuôi phổ biến trong các ao đầm nước lợ thay thế dần cho tôm sú.

Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Thái Thụy đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá vược (cá chẽm) kết hợp với cá rô phi lai và động vật hai mảnh vỏ (vọp) trong đầm nước lợ tại xã Thụy Liên. Cả 3 đối tượng nuôi không chỉ sinh trưởng, phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo môi trường sinh thái bền vững, mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) của địa phương.

Mô hình được thực hiện trên diện tích 5.000m2 ao NTTS nước lợ của anh Nguyễn Văn Liệu tại thôn Trà Bôi, xã Thụy Liên trong thời gian 9 tháng. Đầu tháng 12/2010 khi chúng tôi về, cá vược và rô phi đang thu hoạch. Anh Liệu cho biết: Được Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ một phần giống, vốn, KHKT để thực hiện mô hình, sau khi lựa địa điểm, tháng 4/2010, anh cải tạo vệ sinh ao và thả 1.665 con cá vược, 2.500 cá rô phi và 500 kg vọp.

Trước đó, hai vợ chồng đã từng nuôi cá vược có chút ít kinh nghiệm, nhưng khi thực hiện mô hình nuôi xen ghép mới này dù đã tuân thủ đúng theo quy trình hướng dẫn về cải tạo ao nuôi, chọn con giống sạch bệnh - chất lượng nhưng vẫn thấy lo. Ngày nào anh cũng có mặt ngoài đầm để theo dõi môi trường nước nuôi, cho cá ăn, phòng trị bệnh cho chúng; ngày nước cường, tiến hành thay nước bảo đảm môi trường nước nuôi tốt, tạo điều kiện cho cá sinh trưởng và phát triển tốt.

Chờ đợi suốt 8 tháng, chỉ đến khi khi cá và vọp lớn nhanh, cho hiệu quả kinh tế rất cao, anh mới thở phào nhẹ nhõm. Tỷ lệ sống của vật nuôi đạt từ 70-90%, trung bình trọng lượng cá vược đạt 1,5kg/con, cá rô phi 0,5kg/con, vọp 25con/kg. Anh Liệu dự kiến, tổng sản lượng của mô hình đạt gần 1,8 tấn cá vược, 1 tấn cá rô phi, trên 1,6 tấn vọp. Tổng giá trị thu được 150 triệu đồng, trừ chi phí 100 triệu đồng, lợi nhuận 50 triệu đồng. Như vậy, nếu đầu tư 1 ha sẽ lãi 100 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Tân - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Đây là mô hình nuôi ghép 3 đối tượng với nhau rất phù hợp, được thực hiện dựa trên kết quả nghiên cứu kỹ về đặc điểm, tập tính sống của từng loài. Trong đó, cá vược là loài rất dễ nuôi, sống trong ao, hồ, đầm, ruộng trũng ở cả môi trường nước ngọt, mặn, lợ. Loài cá này rất phàm ăn, tuy nhiên khi nuôi đơn, một vấn đề người nuôi cá gặp phải là lượng thức ăn cho cá thường dư thừa, ảnh hưởng xấu đến môi trường nước nuôi, dễ gây dịch bệnh, làm giảm chất lượng đàn cá. Nhưng khi nuôi ghép cá rô phi với cá vược thì do rô phi là loài ăn tạp, chúng có thể sử dụng chất thải của cá vược làm thức ăn trực tiếp, còn động vật hai mảnh vỏ là loại ăn lọc các sinh vật hữu cơ trong môi trường nước, do đó khi nuôi ghép sẽ luôn tạo ra môi trường sạch để cá và vọp sinh trưởng phát triển tốt. Đặc biệt, cá rô phi và cá vược không chỉ tăng trưởng nhanh mà chất lượng thịt cũng thơm ngon hơn.

Thái Thụy hiện có gần 1.600 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, trong đó diện tích nuôi cá vược, rô phi hằng năm chỉ có 150 - 200 ha, còn lại hầu hết diện tích nuôi quảng canh tôm sú. Vì vậy, sau thành công của những mô hình nuôi cá vược, cá rô phi những năm qua và đặc biệt là mô hình nuôi xen ghép 3 đối tượng: cá vược - rô phi - động vật hai mảnh vỏ trong đầm nước lợ ở Thụy Liên thì việc nghiên cứu nhân rộng mô hình là điều rất cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế của những vùng nuôi tôm sú, nhất là những vùng đầm đang thoái hoá, xuống cấp như hiện nay.
Để làm được điều này, Thái Thụy cần khẩn trương rà soát, đánh giá lại thực trạng các đầm nuôi trồng thủy sản, vận động nhân dân đa dạng hoá con nuôi, những hộ không có vốn dồn đổi ruộng cho những hộ có điều kiện đầu tư sản xuất trên quy mô lớn; tăng cường hỗ trợ các hộ nuôi về vốn, giống, KHKT để họ yên tâm đầu tư cho sản xuất và sản xuất hiệu quả.

thaibinh.gov.vn